(OKP) KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN OKP “KHÍ HẬU VIỆT NAM - HỢP TÁC CÙNG NHAU GIÁO DỤC NHẰM ĐẠT ĐƯỢC SỰ THAY ĐỔI BỀN VỮNG TẠI CÁC VÙNG ĐỒNG BẰNG CỦA VIỆT NAM”
Quang cảnh buổi lễ
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu và tài nguyên nước là những vấn đề mang tính toàn cầu. Biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, an ninh lương thực và nguồn năng lượng. Hơn thế nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tại cả hai đồng bằng lớn của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Để quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước thì giáo dục đóng một vai trò quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ năng lực để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khởi động dự án
Kế thừa các kết quả đã đạt được từ dự án Niche do chính phủ Hà Lan tài trợ giai đoạn 2012 - 2016, trong khuôn khổ Chương trình tri thức màu da cam OKP, Dự án “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng Việt Nam” đã được Chính Phủ Hà Lan đồng ý viện trợ với thời gian thực hiện 03 năm (2019 - 2021). Các trường đại học của Việt Nam (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Đại học Thủy Lợi; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường) cùng với các trường đại học phía Hà Lan (Trường đại học Công nghệ Delft, Đại học ITC Twente; Đại học Khoa học ứng dụng Utrecht) đã hợp tác cùng nhau xây dựng dự án, trong đó hợp tác trong giáo dục đại học và sau đại học về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước được củng cố và được nâng lên một tầm mới, trong đó tập trung vào việc nâng cấp các chương trình giáo dục đại học và sau đại học, đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng thực hành, thực tập và định hướng nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong tương lai cũng như các cán bộ chuyên trách làm công tác tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sau đó, Thứ trưởng tuyên bố khởi động dự án.
Bà Cora Van Nieuwenhuizen phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Cora Van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Vương quốc Hà Lan nhận định: Việt Nam và Hà Lan đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sụt lún. Cả hai đất nước đều nằm trong vùng đồng bằng dễ bị tổn thương, nhiều thành phố gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sạch vì nhiễm mặn và dư lượng thuốc trừ sâu làm cho xử lý nước thải phức tạp hơn. Vì vậy, cần có những giải pháp cho hiện tại và trong tương lai. Và đó là lý do tại sao giáo dục, nghiên cứu rất quan trọng. Nhưng hiện nay rất ít sinh viên Việt Nam chọn học ngành quản lý nước. Một trong những mục tiêu chính của Chương trình Tri thức Cam là nâng cao, thu hút các sinh viên theo học ngành này. Hợp tác cùng nhau mở rộng chương trình giảng dạy, đào tạo đại học, thạc sĩ và nâng cao năng lực cho cán bộ trong ngành.
Bên cạnh giáo dục, mục tiêu thứ hai của Chương trình là hợp tác nghiên cứu sẽ có lợi cho cả hai nước. Việt Nam sẽ học hỏi từ Hà Lan và Hà Lan sẽ học hỏi từ Việt Nam về quản lý nguồn tài nguyên nước và nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu thứ ba của Chương trình là cải thiện liên kết với thị trường việc làm, giúp sinh viên có những cơ hội làm việc tốt khi ra trường; dám nghĩ dám làm, tìm ra những giải pháp mới và đưa chúng vào thực tế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Bà Cora Van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Vương quốc Hà Lan thả rô bốt xuống Hồ Tây
GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi giới thiệu ngắn về Dạ án OKP
PGS.TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu ngắn về dự án nghiên cứu tại Hồ Tây