Chuyển tới nội dung

Nghiên cứu khoa học - nhiệm vụ song hành trong công tác giảng dạy của Đại học TN&MT Hà Nội

12.07.2020

(TN&MT) - Trường đại học là nơi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học, đồng thời là cơ sở nghiên cứu khoa học (NCKH). Hoạt động NCKH của trường đại học trực tiếp tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.

NCKH cũng là nhu cầu của giảng viên, học viên và sinh viên nhằm xây dựng, hoàn thiện thế giới quan, phương pháp luận khoa học tiến tới xây dựng, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, năng lực công tác trong quá trình giảng dạy, học tập tại trường và sau khi ra trường. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng NCKH là yêu cầu thường xuyên của các trường đại học.

NCKH và giảng dạy có mối quan hệ chặt chẽ

Hiện nay, bất cứ một trường đại học nào cũng đều có 2 nhiệm vụ chính và quan trọng nhất đó là: giảng dạy và NCKH. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của mỗi nhà trường, trong đó việc giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.

Trường Đại học TN&MT Hà Nội luôn quan tâm đến việc tổ chức các hội thảo khoa học trong và ngoài nước

Tại mỗi trường đại học, vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học là những yếu tố quan trọng, có sự tác động lớn đến chất lượng đào tạo. Để đánh giá khả năng lao động chuyên môn, tư duy lý luận và nhận thức thực tiễn của giảng viên tại trường đại học, nhất thiết phải có sự kết hợp tốt hoạt động NCKH của giảng viên với hoạt động giảng dạy.

Tất cả chúng ta đều biết, NCKH không chỉ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong sự tồn tại và phát triển của xã hội mà nó còn có vị trí cực kỳ quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo. Công tác NCKH hiện đang được xem là một “mắt xích” quan trọng không thể thiếu được trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Và hiện nay, công tác giảng dạy và NCKH là hai nhiệm vụ song hành của từng giảng viên ở mỗi trường đại học.

Đẩy mạnh NCKH nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác NCKH, trong những năm qua, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã đẩy mạnh công tác NCKH và xác định đây là một trong những hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường.

Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm sát sao đến công tác NCKH, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời. Đến nay, hoạt động NCKH của Nhà trường đã đạt được kết quả nhất định, nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp tỉnh được thực hiện, nhiều bài báo đã được công bố trên các tạp chí, hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

Theo TS. Phí Trường Thành - Trưởng khoa Khoa Địa chất của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, những thành tựu trong hoạt động NCKH đạt được đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao danh tiếng của Nhà trường, là đơn vị thực hiện các đề tài khoa học, tổ chức hội thảo, đồng thời là địa chỉ đáng tin cậy để các tổ chức trong nước và quốc tế mời tham dự vào các diễn đàn khoa học. Các kết quả của đề tài NCKH có tính thực tiễn cao đã và sẽ có tác dụng nâng cao hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, tạo nên hình ảnh ngày càng tốt đẹp và nguồn thu cho Nhà trường.

TS. Phí Trường Thành cho biết: Hàng năm, Nhà trường xây dựng điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ để phù hợp hơn với điều kiện thực tế của xã hội. Trong đó, có khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia các hoạt động NCKH, có chế độ khen thưởng kịp thời đối với mỗi cá nhân và tập thể có thành tích trong NCKH để tạo động lực và kích thích tính tích cực tự giác của giảng viên đối với công tác NCKH.

Nhóm NCKH của Trường Đại học TN&MT Hà Nội đạt giải Ba Giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức

“NCKH là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi phải đầu tư thời gian dài, phương pháp làm việc nghiêm túc và khoa học, cần phải có tinh thần tự giác và sự đam mê mới có thể theo được. Vì vậy, Nhà trường luôn quan tâm đến những chính sách khuyến khích, động viên để khơi gợi, kích thích tính tự giác và lòng đam mê của mỗi giảng viên trong công tác NCKH” - TS. Phí Trường Thành cho biết thêm.

Thực tế cho thấy rất hiếm có những trường đại học đẳng cấp quốc tế mà không đồng thời là một trường đại học mạnh về NCKH. Như vậy, vai trò của NCKH trong trường đại học là rất lớn, không chỉ đối với riêng trường đại học mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Để nâng cao thương hiệu của Nhà trường, trong thời gian tới Nhà trường cần hoàn thiện quy chế xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để phát huy năng lực nghiên cứu của mỗi giảng viên có năng lực cho thực hiện các dự án, đề tài trong nước và hợp tác quốc tế và đặc biệt là công bố bài báo quốc tế, tăng uy tín, thương hiệu của Nhà trường” - TS. Phí Trường Thành nhấn mạnh.

Mai Đan - Báo TN&MT

Bài viết khác