Đại học TN&MT Hà Nội: Nghiên cứu khoa học song hành cùng công tác đào tạo
(TN&MT) - Từ khi thành lập Trường năm 2010 đến nay đã tròn 10 năm - dấu mốc này rất quan trọng, đánh dấu chặng đường nhiều thử thách đối với Trường Đại học TN&MT Hà Nội nói chung và với nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên nói riêng.
Để có thể thấy rõ quá trình phát triển của hoạt động NCKH sinh viên Đại học TN&MT Hà Nội trong 10 năm qua (2010 – 2020), phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng nhà trường.
PGS. TS. Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội |
PV: Ông có thể khái quát về quá trình phát triển và một số điểm nhấn của hoạt động NCKH sinh viên trong giai đoạn 10 năm qua, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Quý Nhân: Năm 2010 là năm khởi đầu của Trường Đại học TN&MT Hà Nội. Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2020, Nhà trường có tổng số 285 đề tài, với số lượng sinh viên tham gia NCKH là hơn 2000 sinh viên. Những năm gần đây, hàng năm có khoảng 70 đề tài NCKH sinh viên, không kể số lượng sinh viên tham gia NCKH với các đề tài của thầy cô. Số lượng đề tài xuất sắc và tốt trong năm học 2015 - 2016 chiếm 60%, đến năm học 2019 - 2020 chiếm 70%.
Trong chặng đường 10 năm, hoạt động NCKH của sinh viên trong trường đã tạo nhiều dấu ấn quan trọng, với nhiều giải thưởng nổi bật như: 5 giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức đạt được trong năm học 2017, 2018 và 2019; Quán quân cuộc thi Olympic Tiếng Anh chuyên toàn quốc năm 2019; hơn 2.000 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Điểm nhấn của NCKH sinh viên còn thể hiện ở cuộc thi “Sức hút và lực đẩy của nghiên cứu khoa học với sinh viên HUNRE” với sức lan tỏa rất lớn. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, các video NCKH đã thu hút được hàng chục nghìn lượt chia sẻ, lượt tiếp cận và nhận xét và đã chứng minh được sức hút của NCKH đối với thế hệ các nhà khoa học trẻ trong tương lai.
Ngoài ra, trong Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ II năm 2017 với sự tham gia của gần 30 trường đại học trên cả nước, các thầy cô và các em sinh viên trong trường đã vượt qua nhiều khó khăn và nỗ lực, nhận được Giấy khen từ Ban tổ chức.
Trong suốt 10 năm qua, sinh viên của Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã chủ động kết nối với sinh viên các trường đại học khác tại Việt Nam và các bạn sinh viên nước ngoài để cùng nghiên cứu. Hàng năm đều có những hợp tác nghiên cứu được thực hiện bởi sinh viên trong trường, sinh viên Hà Lan và sinh viên nước khác.
Ngày 16/9 vừa qua, Đại học TN&MT Hà Nội đã tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng cho các nhóm sinh viên tham gia các cuộc thi trong năm học vừa qua |
PV: Xin ông cho biết những đổi mới trong công tác quản lý hoạt động NCKH sinh viên và các hình thức NCKH của sinh viên trong những năm qua?
PGS.TS. Phạm Quý Nhân: Đổi mới đầu tiên phải kể đến là tạo cơ chế mở cho các sinh viên đăng ký NCKH, có nghĩa là sinh viên tạo ra ý tưởng, tạo nhóm nghiên cứu, đề xuất và chọn giảng viên hướng dẫn.
Ngoài ra, Nhà trường không quy định cố định sinh viên theo khoa hoặc bộ môn, các em được lựa chọn thành viên từ các khoa khác nhau trên cơ sở cùng đam mê và yêu thích NCKH. Đồng thời, khuyến khích và tạo cơ chế để sinh viên tham gia nghiên cứu cùng các thầy cô trong các đề tài khoa học và công nghệ.
Hơn nữa, hình thức đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài sinh viên được đa dạng, phong phú. Các thành viên của Hội đồng đánh giá kết quả NCKH của sinh viên gồm các thầy cô, các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín trong trường, ngoài trường, góp ý và hỗ trợ sinh viên hoàn thiện nghiên cứu một cách tốt nhất.
Nhà trường cũng luôn đồng hành cùng sinh viên trong các cuộc thi sáng tạo; các cuộc thi khoa học trong nước và quốc tế; kịp thời tháo gỡ những vưỡng mắc, khó khăn cho sinh viên trong quá trình nghiên cứu nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ cho sinh viên NCKH, cả kinh phí và cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, các thiết bị phục vụ nghiên cứu) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhóm sinh viên hoàn thành nghiên cứu.
PV: Thưa ông, để hoạt động NCKH của sinh viên ngày càng phát triển, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ đưa ra những định hướng cụ thể như thế nào?
PGS.TS. Phạm Quý Nhân: Nhà trường sẽ tiếp tục tạo các sân chơi về lĩnh vực NCKH cho sinh viên bằng cách khuyến khích, động viên, hỗ trợ sinh viên tham gia các Cuộc thi về NCKH khác nhau ở trong và ngoài nước.
Đồng thời, đầu tư có chiều sâu, có trọng điểm các hướng nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu của sinh viên phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đất nước và của ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường nguồn lực cho công tác NCKH của sinh viên.
Nhà trường sẽ tập trung tạo cơ chế chính sách cho hoạt động NCKH, đặc biệt là đối với sinh viên và giảng viên hướng dẫn sinh viên NCKH linh hoạt, phù hợp với đặc thù của trường đại học theo hướng ứng dụng như Trường Đại học TN&MT Hà Nội.
Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về vai trò của NCKH đối với việc nâng cao chất lượng học tập của sinh viên trong trường đại học nhằm tạo được sức hút và lực đẩy của công tác này. Đây cũng là định hướng quan trọng trong thời gian tới của Nhà trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Đan - Báo TN&MT
- Nghiên cứu khoa học - nhiệm vụ song hành trong công tác giảng dạy của Đại học TN&MT Hà Nội12.07.2020
- UNESCO cùng Quỹ Coca-Cola Foundation phát động Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh”08.06.2020
- Các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam18.05.2020
- Hangouts Meet: Cách sử dụng và những tính năng cần biết06.05.2020
- MENDELEY – Công cụ quản lý trích dẫn tài liệu tham khảo miễn phí06.05.2020
- QUÁN QUÂN CUỘC THI TIẾNG ANH CHUYÊN TOÀN QUỐC NĂM 2019 - ENGLISH OLYMPIAD FOR ENGLISH MAJOR STUDENTS23.11.2019