Chuyển tới nội dung

Gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường với thực tiễn xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

10.11.2022

Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ năm 2022 và hướng tới 40 năm kỷ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 9/11, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia: “Gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường với thực tiễn xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tham dự và phát biểu tại Hội thảo còn có đại diện đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường - TS. Vũ Thắng Phương và sự tham gia tích cực của các thầy giáo, cô giáo nguyên là cán bộ quản lý của Nhà trường - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, PGS.TS. Phạm Quý Nhân, PGS.TS. Trần Duy Kiều, cùng gần 200 các nhà khoa học, chuyên gia, thầy giáo, cô giáo đến từ các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước có lĩnh vực liên quan tham dự Hội thảo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Trước xu thế máy móc tự động hóa dần thay thế con người, nguồn nhân lực cần được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trở nên vô cùng cần thiết. Xuất phát từ mục tiêu trên, Hội thảo khoa học quốc gia 2022 tập trung chủ yếu vào các vấn đề: Vai trò, cơ chế, chính sách của việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường hiện nay;  Nhu cầu nguồn nhân lực ngành tài nguyên môi trường; Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Thực tiễn ứng dụng, chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên môi trường trong thực tiễn; Giải pháp tăng cường đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với nhu cầu xã hội,… 

PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo

Hội thảo đã nhận được 52 bài nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học và thầy cô giáo trong và ngoài Nhà trường như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Nông Lâm Thái nguyên, các trung tâm, viện nghiên cứu,… trong đó có 5 công trình nghiên cứu đã được Hội đồng khoa học lựa chọn trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến chia sẻ trực tiếp đến từ đại diện hai doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Việt về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tại 02 công ty nói riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực.

Tại Hội thảo, báo cáo về nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong phát hiện các khu vực ngập lụt dựa trên việc phân loại các siêu điểm ảnh từ dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel - 1. Phương pháp tạo ngưỡng tự động dựa trên thuật toán phân cụm không lặp lại đơn giản (SNIC) và OTSU được sử dụng để trích xuất vùng ngập nước từ hình ảnh Sentinel - 1 trên nền tảng Google Earth Engine (GEE) do PGS.TS. Trịnh Lê Hùng - Học viện Kỹ thuật Quân sự trình bày đã chỉ ra thay vì phân loại trực tiếp trên các điểm ảnh thì thuật toán SNIC tạo ra các siêu điểm ảnh, từ đó giúp thuật toán OTSU có thể phân loại trực tiếp trên các siêu điểm ảnh này. Điều này sẽ giúp thuật toán OTSU chạy nhanh hơn và vẫn đảm bảo về mặt độ chính xác. Các kết quả thực nghiệm cho thấy, phương pháp sử dụng OTSU kết hợp với thuật toán SNIC cho độ chính xác cao hơn 91 % so với phương pháp chỉ sử dụng thuật toán OTSU với độ chính xác chỉ đạt từ 86 % trở lên. Với kết quả nghiên cứu này, có thể được sử dụng trong các bài toán phân loại nhanh khu vực lũ lụt từ dữ liệu ảnh SAR nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giảm thiểu thiên tai.

PGS.TS. Trịnh Lê Hùng - Học viện Kỹ thuật Quân sự tham luận vềứng dụng công nghệ trong
phát hiện các khu vực ngập lụt dựa trên việc phân loại các siêu điểm ảnh từ dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel - 1

Tham luận về vấn đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai”, TS. Xuân Thị Thu Thảo, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều thuận lợi hơn trong công tác quản lý và khai thác thông tin về đất đai, về cơ bản đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai giúp công tác quản lý đất đai tại địa phương được thuận lợi hơn như: Việc tra cứu thông tin nguồn gốc và lịch sử của thửa đất; Hiện trạng sử dụng đất, tình trạng pháp lý và các thông tin về chủ sử dụng đất. Công tác thẩm định hồ sơ đăng ký biến động được thuận lợi và nhanh chóng không cần phải tìm kiếm tra cứu hồ sơ giấy (vấn đề này thực hiện luôn trên hệ thống) giúp giảm thiểu được tình trạng cấp nhầm, cấp trùng 1 thửa đất cho nhiều người sử dụng đất, đồng thời hỗ trợ và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống giao dịch điện tử với ngân hàng Nhà nước.

TS. Xuân Thị Thu Thảo, Trường Đại học Lâm nghiệp tham luận về vấn đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai”

Tham luận tại Hội thảo về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Ông Bùi Huy Hoàng đại diện Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết công ty đang định hướng đào tạo nhân lực theo 2 hướng chính: Một là, đào tạo theo vị trí công việc bao gồm các nhóm vị trí Level 1, Level 2, Level 3, Level 4, Level 5 ứng với năng lực trình độ của từng cá nhân; Hai là, đào tạo theo lĩnh vực chuyên ngành trên cơ sở các chuyên ngành mà công ty đang hoạt động với các nội dung chuyên sâu từ lao động học việc, lao động kỹ thuật, lao động kỹ thuật cao, chỉ đạo kỹ thuật, chuyên gia. Quy trình đào tạo nguồn nhân lực phải đảm bảo từng bước: Đánh giá nhu cầu, xác định mục tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, triển khai đào tạo và cuối cùng là đánh giá kết quả nguồn nhân lực.

Ông Bùi Huy Hoàng - Đại diện công ty  TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

Một nghiên cứu mới được trình bày và thảo luận tại Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu đó là “Nghiên cứu xem xét mức độ hạnh phúc của nông dân sau khi thu hồi đất cho quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa tại vùng ngoại thành Hoài Đức, Hà Nội” do PGS.TS. Phan Thị Thanh Huyền, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày. Nhóm tác giả cho biết đã thực hiện nghiên cứu điều tra 100 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại Hoài Đức với các tiêu chí: Thu nhập và chi tiêu; Đô thị hóa; Hạ tầng xã hội; Công tác bồi thường và cách sử dụng khoản tiền bồi thường; Chi phí xã hội và thực trạng mức sống sau thu hồi đất. 

 PGS.TS. Phan Thị Thanh Huyền - Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham luận về mức độ hạnh phúc của nông dân sau khi thu hồi đất

Nghiên cứu này đã giúp xác định nguồn thu nhập và chi tiêu là rất quan trọng trong mối tác động đến hạnh phúc của người nông dân sau thu hồi. Vấn đề đô thị hóa, vấn đề bồi thường và việc sử dụng tiền bồi thường, cơ sở hạ tầng và thực trạng mức sống sẽ ảnh hưởng tới sự cảm nhận về hạnh phúc của nông dân sau khi thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa. Chi phí xã hội tuy có ảnh hưởng ngược chiều và mức ảnh hưởng khá lớn đến hạnh phúc của nông dân, đây là bài toán nan giải trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa. Vì vậy, nhóm tác giả cũng cho rằng các nhà quản lý đất đai cần sớm tìm ra giải pháp để giải quyết những bất lợi này dựa trên quan điểm phát triển biền vững, đảm bảo cân bằng 3 tiêu chí Môi trường - Kinh tế - Xã hội như: Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường); Chính sách hỗ trợ cuộc sống của người dân để có cuộc sống ổn định, bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Với mục đích trở thành một diễn đàn mở và hữu ích để các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, bổ sung và hoàn thiện các vấn đề liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thực tiễn, Hội thảo khoa học quốc gia 2022 đã được tổ chức thành công và thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Một số hình ảnh tại hội thảo

             Đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề được trình bày tại Hội thảo            

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

PGS.TS. Nguyễn Võ Châu Ngân - Trường Đại học Cần Thơ tham luận trực tuyến tại hội thảo

Tệp tin đính kèm:

Bài viết khác