Chuyển tới nội dung

Nhiều nhà khoa học dự Hội thảo Khoa học Quốc gia“Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển"

03.10.2023

(TN&MT) - Ngày 3/10, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Tài nguyên nước, Khoa Khoa học Biển và Hải đảo, Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững; đồng thời tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển”.

Tham dự Lễ kỷ niệm có sự tham dự của GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; PGS.TS. Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; NGND.PGS.TS Hoàng Ngọc Quang - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng nhiều thầy cô, giảng viên trong trường tham dự buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc quy định và quá trình giảng dạy trong những năm qua. Gần đây, chương trình đổi mới giáo dục đã bắt đầu được triển khai và đổi mới tại Trường.


PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát biểu khai mạc

Đơn cử như ngay từ đầu vào năm học, sinh viên năm thứ nhất các khoa, chuyên ngành đều được Nhà trường đưa đến các cơ sở thực tập. Ví dụ như những sinh viên ngành Tài nguyên nước, ngay từ đầu đã phải cho các em tiếp cận với các cơ sở nghiên cửu khoa học, các đơn vị quản lý để cho các em được nắm bắt và hiểu rõ cách vận hành, cách làm việc, phục vụ mục đích sau này có thể áp dụng, triển khai tốt khi các em lên năm 3, năm 4 và ra trường đi làm thực tế. Bên cạnh đó, để sự thay đổi chương trình đào tạo giáo dục, ứng dụng đạt hiệu quả thì cần phải tăng cường công tác quản trị Đại học, đặt yếu tố quản trị làm yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm và cần phải bắt buộc thực hiện.

PGS. TS Hoàng Anh Huy nhấn mạnh, trong quá trình quản trị Đại học, việc cần phải làm ngay lúc này là phục vụ sinh viên, lấy sinh viên làm đối tượng chủ chốt để thay đổi chương trình đào tạo, giảng dạy cho phù hợp.

Các cán bộ, giảng viên tại Trường từ đó cũng phải nâng cao năng lực qua các đợt đánh giá năng lực thường xuyên, để có thể đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian thực hiện quá trình quản trị Đại học thời điểm hiện tại, cũng như đáp ứng được kỳ vọng của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp và xây dựng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội như ngày hôm nay.

z4749353254715_54d1a3a15aeef31d978db44e78fcccc6.jpgTS. Nguyễn Hồng Lân – Trưởng Khoa Khoa học Biển và Hải đảo phát biểu đại diện lãnh đạo 3 đơn vị tại Trường

Đại diện Lãnh đạo 3 đơn vị tại Lễ Kỷ niệm, TS. Nguyễn Hồng Lân – Trưởng Khoa Khoa học Biển và Hải đảo cho biết, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập các khoa: Tài nguyên nước, Khoa học biển và hải đảo, Bộ môn Biến đổi khí hậu (10/2013 - /10/2023), trải qua những năm phát triển kể từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ của các khoa từng bước phát triển về số lượng, hoàn thiện và trưởng thành hơn về chất lượng.

Trong đó cán bộ có học hàm học vị cao luôn được duy trì, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo sau 12 tháng đạt tới 63%, tỷ lệ sinh viên áp dụng được những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc theo ngành tốt nghiệp đạt tới 89%, và tỷ lệ người học đáp ứng được yêu cầu công việc, có thể sử dụng được ngay đạt tới 100%. Quá trình tuyển sinh cho đến nay của các khoa/bộ môn đã ổn định phù hợp với nhu cầu thị trường việc làm và năng lực đào tạo của các khoa/bộ môn.

Về nghiên cứu khoa học (NCKH), các khoa đã chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp gồm: 5 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp tỉnh, 8 đề tài NCKH cấp bộ và nhiều đề tài nckh các cấp khác. Từ đó, TS. Nguyễn Hồng Lân hy vọng các khoa/ bộ môn trong trường sẽ cùng đoàn kết vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt để vươn lên và ngày càng phát triển.

img_4447.jpgNGND. PGS.TS Hoàng Ngọc Quang – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

NGND. PGS.TS Hoàng Ngọc Quang – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội rất vui mừng vì những kết quả đạt được của Trường trong những năm gần đây. Ông đánh giá cao sự nỗ lực và phát triển, tư duy dám thay đổi lớn của các thầy cô trong trường để có thể đưa chương trình đào tạo và giảng dạy mới vào thực hiện trong thực tiễn, phục vụ giảng dạy học sinh, sinh viên theo đúng lộ trình học tập đã đề ra.

PGS.TS Ngọc Quang dành lời khen ngợi Ban Giám hiệu và Trưởng khoa/ bộ môn trong trường đã luôn đồng hành, theo sát định hướng sinh viên và cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu, kỳ vọng mà Bộ TN&MT đã giao phó. Đồng thời, ông chúc cho toàn trường luôn giữ vững mục tiêu, luôn giữ vững niềm tin và ý chí phấn đấu trong việc xây dựng một nền tảng học tập tốt cho thế hệ tương lai cũng như đóng góp cho nước nhà những công trình nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường một cách xuất sắc.

Qua đó, Hội thảo “Phát triển và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường: Từ miền núi tới ven biển” được diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bà cho biết, Hội thảo lần này đã nhận được hơn 650 tham luận từ các Trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên khắp cả nước quan tâm, nghiên cứu trong việc phát triển, bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên và môi trường từ miền núi tới ven biển, đáp ứng nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong bối cảnh hiện nay.

img_4474.jpgPGS. TS Phạm Quý Nhân - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình bày tham luận

Với tham luận về cách tiếp cận toàn diện đối với quản lý bền vững nước dưới đất tại khu vực bán khô hạn vùng đồng bằng Ninh Thuận - Việt Nam, PGS. TS Phạm Quý Nhân - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Ninh Thuận được biết đến là khu vực có ít tiềm năng trong việc khai thác nguồn nước dưới đất do nhiều yếu tố như lượng mưa trung bình, lượng nước bốc hơi,…

Do đó, để tìm cách khai thác nguồn nước dưới đất hiệu quả, nghiên cứu đưa ra các phương án tiếp cận khai thác bền vững nguồn nước dưới đất bằng các mô hình WESTPA dự báo cung cấp thấm cho nước dưới đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nghiên cứu cũng đang trong quá trình đề xuất thực hiện xây dựng hồ Ka pet 2 tại Ninh Thuận.

img_4482.jpgPGS.TS Trịnh Lê Hùng – Học viện Kỹ thuật Quân sự trình bày tham luận

Tham luận của PGS.TS Trịnh Lê Hùng – Học viện Kỹ thuật Quân sự đã trình bày về Nghiên cứu biến đọng diện tích nước mặt một số hồ chứa tại tỉnh Đắk Lắk trong mùa khô 2019 – 2020 bằng dữ liệu ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao Sentinel 2 msi. Phương pháp xác định lượng nước từ ảnh viễn thám phục vụ tốt cho việc nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên và môi trường và có thể xử lý trực tuyến dữ liệu viễn thám. Hệ thống đã giúp tích trữ kho dữ liệu khổng lồ từ quang học, radar,… xử lý trực tuyến trên nền tảng này khi tải ảnh về… giúp khắc phục khó khăn về hạ tầng, viễn thám,…

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận cùng các ý kiến trao đổi của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các Trường đại học, Viện Khoa học và các cơ sở nghiên cứu,...

img_4459.jpgCác thầy cô trường Đại học tài nguyên và Môi trường Hà Nội chụp ảnh lưu niệm

Cuối Lễ kỷ niệm, các thầy cô và giảng viên trong trường cùng trao tặng quà và chụp ảnh lưu niệm kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Tài nguyên nước, Khoa Khoa học Biển và Hải đảo, Bộ môn Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững.

Theo: Hoài Thu - Báo TN&MT

Bài viết khác